Chỉ một câu hỏi đơn giản: “Bạn biết gì về chân kính đồng hồ?” là đã có thể khẳng định được bạn có phải dân sành đồng hồ chính hiệu không rồi đấy. Cũng bởi lẽ chân kính là một trong những bộ phận quan trọng của đồng hồ mà không phải ai cũng có thể hiểu được nếu không đam mê đồng hồ thật sự. Chính vì vậy mà hãy cùng với WatchTime, mở nắp những cỗ máy thời gian và soi vào từng cấu tạo của chân kính để có được một cái nhìn bao quát nhất nhé!
Chân kính đồng hồ là gì ?
Trước hết, Chân kính hay còn gọi là Jewel, là một bộ phận màu hồng đỏ bóng bẩy, trong suốt, có mặt trong các bộ máy của đồng hồ bất kể là máy cơ hay hay pin được Nicolas Fatio de Duillier, Pierre, Jacob Debaufre phát minh vào năm 1702/1704.
Nhược điểm của những bộ máy cơ từ khi ra đời chính là dễ bị mài mòn do các bộ phận kim loại ma sát, chính vì vậy mà chân kính được làm từ các loại vật liệu có độ cứng cao, ít bị mài mòn có tác dụng chủ yếu là giảm ma sát để tăng độ bền cho bộ máy đồng hồ đã ra đời và thế vào vị trí của các bộ phận kim loại ma sát đó.
Ngày nay, chân kính được dùng chủ yếu trên đồng hồ cơ và số ít đồng hồ pin cao cấp của Thụy Sĩ, Đức.
Vì sao đồng hồ cần chân kính?
Hầu hết, mọi người đều nghĩ chân kính được làm từ các loại ngọc, đá quý..nên nó chỉ có mục đích là trang trí và tăng giá trị của chiếc đồng hồ. Thế nhưng, không chỉ có vậy, chân kính được ra đời với sứ mệnh quan trọng đó là tăng độ bền và độ chính xác cho chiếc đông hồ – điều mà một chiếc đồng hồ không thể thiếu.
Để giảm ma sát trong khi chuyển động, các trục bánh răng đều được lắp một miếng đá đỏ, đá lam hoặc đá thạch lựu (những loại đá này có độ cứng tốt hơn kim loại như kim cương, sapphire, đá rubi). Đó chính là các chân kính. Chân kính càng nhiều thì ma sát càng nhỏ, như vậy tổn hao của đồng hồ càng nhỏ, hiện tượng giảm tốc của các chi tiết chuyển động trong đồng hồ cũng sẽ chậm hơn, và độ chính xác của đồng hồ cũng từ đó được nâng lên.
Một số công dụng của chân kính:
- Giảm đi sự ma sát giữa các chuyển động để tăng độ chính xác (ở mức độ vừa phải)
- Hệ quả của giảm đi ma sát chính là tăng tuổi thọ của các bộ phận bị lực tác động giúp đồng hồ bền hơn (rất đáng kể)
- Chống sốc để tăng độ bền cho các chân kính khác (ở mức độ vừa phải)
- Trang trí cho bộ máy của đồng hồ (rất đáng kể)
- Tăng giá trị cho đồng hồ (không đáng kể đến rất đáng kể tùy theo vật liệu làm chân kính)
Có tất thảy bao nhiêu loại chân kính đồng hồ?
Chân kính – Jewel được tiện, cắt gọt, đánh bóng, khoan lỗ, khoét trũng,… tùy theo loại mà được gia công tương ứng nhưng thường khá nhỏ, to nhất là chân kính đầu trục bánh lắc lo xo cùng hiếm khi quá 2mm. Từ đó mà chân kính chia ra thành nhiều loại để phù hợp nhất với cấu tạo của từng chiếc đồng hồ.
1) Chân kính tròn có lỗ xuyên tâm (Hole Jewels)
Jewel hình tròn và dẹt, ở giữa được khoan lỗ, loại này được dùng để gắn vào các trục bánh răng xoay có vận tốc quay nhỏ, không yêu cầu cao lắm về độ sai số và độ chịu lực tác động từ các phương vuông góc với trục quay. Kích thước lỗ khoan tùy theo kích thước trục.
2) Chân kính tròn không có lỗ (Cap Jewels)
Jewel có hình tròn, dẹt, ở giữa không khoan lỗ, thường được đặt áp vào 2 đầu trục quay có yêu cầu cao về độ sai số, có vận tốc quay lớn, chịu ảnh hưởng nhiều bởi lực tác động dọc trục.
3) Chân kính dạng phiến, vuông chữ nhật (Pallet Jewels)
là loại Jewel có hình viên gạch được gắn trên những điểm bị tác động, va đập theo chiều ngang như như hai đầu ngựa, trượt cò khoá, bánh thoát (còn gọi bánh nhện).
4) Chân kính dạng con lăn (Roller Jewels)
có hình dạng hình trụ, chỉ được gắn trên bánh lắc để đá “ngựa”, điểm bị tác động va đập kiểu trượt (chiều ngang).
5) Chân kính bảo vệ sốc (Shock Protection Jewels)
không có hình dạng cụ thể, đây là một loại chân kính nằm chèn giữa chân kính khác và bộ phận nào đó, ngăn không cho làm vỡ chân kính được bảo vệ khi đồng hồ bị chấn động mạnh.
Chân kính đồng hồ làm bằng gì ?
Bốn loại vật liệu thường sử dụng chế tạo chân kính đồng hồ là: đá garnet, đá sapphire (tự nhiên/nhân tạo), đá hồng ngọc (ruby) (tự nhiên/nhân tạo), và kim cương (tự nhiên/nhân tạo). Ngoài ra có một số nhà chế tạo còn dùng chân kính là hợp kim chống mài mòn (kim loại) hoặc kính xử lý tráng kim loại (kính sapphire).
Trong 4 loại đá kể trên thì garnet (thường màu đỏ sậm) là có độ bền kém nhất và thường chỉ sử dụng trong những bộ cơ rẻ tiền.
Những hiểu lầm về chân kính đồng hồ
Trong suy nghĩ của chúng ta, những viên đá quý thường rất đắt đỏ. Chính bởi thế, sự hiện diện của nó bên trong cỗ máy đem đến sự sang trọng và cao quý hơn bao giờ hết.
Hơn nữa, trong kỹ thuật chế tác đồng hồ, người ta thường dùng đá quý để lắp vào các bộ phận có tính ma sát lớn nhằm làm giảm tối đa sự hao mòn trong quá trình vận hành. Như vậy có nghĩa là những đồng hồ nào có số lượng đá quý được sử dụng nhiều hơn thì nó đắt hơn, chính xác hơn và bền hơn. Điều này đã vô tình khiến chúng ta hiểu nhầm về giá trị của số lượng chân kính trong đồng hồ. Và những hiểu lầm ấy có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định lựa chọn đồng hồ của bạn.
Thứ nhất, có phải những chiếc đồng hồ sở hữu càng nhiều chân kính thì càng đắt ?
Thực ra, số lượng chân kính trong đồng hồ không chắc đã phản ánh đầy đủ giá trị của chiếc đồng hồ. Có 4 loại vật liệu thường thấy là đá Ganit, đá Sapphire, đá hồng ngọc và Kim cương. Dĩ nhiên, kim cương là chân kính đắt tiền nhất, sau đó đến hồng ngọc, đá sapphire và cuối cùng là đá Ganit, loại vật liệu kém bền chỉ áp dụng trên những bộ cơ rẻ tiền.
Số lượng chân kính trong đồng hồ không phản ánh đầy đủ giá trị của chiếc đồng hồ
Chính vì thế, số lượng chân kính không thể nói lên giá thành của sản phẩm. Vậy tại sao vẫn xuất hiện những chiếc đồng hồ có một lượng khủng chân kính đến như vậy? Thực ra, một số nhà sản xuất cố tình thêm chân kính thừa thãi vào những vị trí khác nhau, cốt nâng giá thành sản phẩm, trong khi giá trị đằng sau đó và tác dụng của những chân kính thừ thãi đều không hề như chúng ta mong đợi.
Bởi vậy, bạn cần hiểu rõ về chân kính để trở thành người chơi có hiểu biết!
Thứ hai, có phải những chiếc đồng hồ sở hữu càng nhiều chân kính thì càng tốt ?
Càng nhiều thì càng tốt vẫn đang là quan điểm của đại đa số người dân Việt Nam, thế nhưng với chân kính, càng nhiều chưa chắc đã là tốt, thậm chí còn là hại. Chúng ta cũng không thể kết luận chắc chắn có nhiều chân kính thì chất lượng của cỗ máy tốt hơn có ít chân kính.
Trong một cỗ máy, chỉ cần mỗi chân kính thực hiện đúng vai trò của mình đó là giảm ma sát. Và không thừa bất kỳ một chân kính nào chỉ-để-trang-trí.
Thường thì những số lượng chân kính được sử dụng phổ biến là 7, 11, 15, 17, 21, 23. Cỗ máy cơ thông thường có từ 17 – 21 chân kính, Và những vị trí cần thiết phải có chân kính sẽ tùy theo cấu tạo bộ máy của chiếc đồng hồ. Điều đó là bằng chứng chứng minh tại sao những chiếc 21 chân kính trở lên thường được ưa chuộng.
Ở đồng hồ Thụy Sĩ có khi số lượng chân kính trong một tác phẩm là 24. Có những tác phẩm Tissot, sử dụng máy ETA Mecaline 2824-2 có đến 25 chân kính. Tương tự, cỗ máy tự động lên dây FC – 393 cũng sở hữu 25 chân kính.
Vị trí lắp đặt 7 chân kính bên trong bộ cơ
Quan niệm càng nhiều chân kính thì đồng hồ càng bền, càng chính xác, càng nhanh là đúng. Tuy nhiên, nó chỉ đúng đối với từng loại đồng hồ và có số lượng cụ thể như sau :
- Máy cơ lên dây (Mechanical): 15-17 jewels là đủ/ 21-23 jewels là quá đủ/ hơn nữa là từ thừa đến quá thừa.
- Máy cơ tự động (Automatic): 17-21 jewels là đủ/ 23-30 jewels là quá đủ/ hơn nữa là từ thừa đến quá thừa.
Nếu đồng hồ không phải là loại “grand compilation” (có những chức năng phức tạp ngoài hiển thị giờ, phút ,giây)” thì chỉ cần đến tối đa 30 chân kính thôi là đủ nhé, số còn lại chỉ mang tính trang trí , PR, vừa không đẹp vì cỗ máy ở bên trong, lại ảnh hưởng đến túi tiền của bạn khi phải bỏ ra một số tiền lớn mua chiếc đồng hồ có nhiều chân kính nhưng lại chẳng được ngắm nhìn nó